Trong cuộc họp ngày 13/5, bộ TT&TT cho biết sẽ sớm triển khai đấu giá băng tần 700 MHz để các nhà mạng có thể nâng cao chất lượng mạng 4G.
Sớm đấu giá băng tần 700 MHz
Tại họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ TT&TT, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) đã đưa ra nhiều thông tin mới nhất là thông tin về việc đấu giá một băng tần mới cũng như thời gian đấu giá lại khối băng tần C3 (3.800-3.900 MHz).
Ông Lê Văn Tuấn, cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết: “Nhà mạng cần băng thấp để giúp cân bằng lại vùng phủ giữa vùng lên vùng xuống. Trên tinh thần đó, Bộ TT&TT thống nhất sẽ triển khai đấu giá băng tần 700 MHz trong thời gian sớm nhất, dự kiến trong năm 2024”.
Để giải đáp cho câu hỏi về nhu cầu sử dụng băng tần có tần số thấp như 700 MHz của nhà mạng, các chuyên gia cho rằng các nhà mạng đang chủ yếu sử dụng các băng tần 1.800 MHz, 2.100 MHz cho 4G và hầu hết là thiên về nâng cao tốc độ truy nhập. Các nhà mạng hiện chưa có băng tần thấp để triển khai 4G do đó, việc sở hữu băng tần thấp để tối ưu vùng phủ khi triển khai 5G SA (Stand-alone) là điều rất cần thiết.
Việc có thêm băng tần thấp như băng tần 700 MHz sẽ giúp một số doanh nghiệp rất nhiều trong việc cải thiện chất lượng phủ sóng, đặc biệt là phủ sóng trong nhà, mặt khác băng tần này còn giúp tăng thêm tốc độ truy cập của mạng 4G.
Khi nào đấu giá lại băng tần 5G
Hiện tại, Bộ TT&TT đã tổ chức các bước và hiện đã hoàn thiện khung cơ sở, tức giá khởi điểm cho khối băng tần C3 (3.800-3.900 MHz). Bộ đang triển khai những bước tiếp theo để trình đấu giá theo đúng trình tự, thủ tục đấu giá tần số, sớm thực hiện đấu giá sớm nhất khối băng tần này.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đấu giá thành công khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz) và C2 (3.700-3.800 MHz). Viettel trúng đấu giá băng tần B1 với giá hơn 7.500 tỷ đồng, trong khi VNPT trúng đấu giá băng tần C2 với giá hơn 2.500 tỷ đồng. Với khối băng tần C3, do chỉ có một doanh nghiệp tham gia nên không đủ điều kiện đấu giá.