Cả thế giới đang quan tâm tới công nghệ 6G và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chúng ta đang từng bước chuẩn bị nghiên cứu, thử nghiệm để phát triển thiết bị 6G trong những năm tiếp theo.
Định hướng phát triển 6G trong tương lai
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thành lập Nhóm phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm với 14 thành viên do ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông làm trưởng nhóm.
Nhóm còn có sự tham gia của đại diện một số cơ quan, đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng 3 doanh nghiệp viễn thông Viettel, VNPT và MobiFone.
Nhóm cũng sẽ theo dõi, tổng hợp tình hình nghiên cứu phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm trên thế giới như loại thiết bị, băng tần hỗ trợ, giá, tình hình chuẩn hóa… để xây dựng báo cáo chuyên đề. Tham dự các hội nghị, các hội thảo quốc tế và trong nước liên quan đến phát triển thiết bị 6G, đánh giá, kiểm tra, thử nghiệm; tham gia hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển công nghệ thiết bị 6G…
Mục tiêu khi phát triển thiết bị 6G
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G. Ban này tập trung nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển về tiêu chuẩn, ứng dụng, an toàn thông tin, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ thông tin di động 6G tại Việt Nam.
Ban chỉ đạo cũng theo dõi, tổng hợp tình hình nghiên cứu, phát triển về tiêu chuẩn, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ thông tin di động 6G của các tổ chức quốc tế, các quốc gia tiên tiến trên thế giới; kết hợp nghiên cứu, dự báo xu hướng phát triển của thị trường viễn thông trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó đề ra lộ trình nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, lộ trình thử nghiệm và thương mại hóa dịch vụ 6G; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ 6G.
Dự báo việc hoàn thành tiêu chuẩn 6G và đưa vào thương mại hóa sớm nhất vào đầu năm 2028, trong khi thương mại hóa hàng loạt có thể xảy ra vào khoảng năm 2030. Con người và máy móc sẽ là người dùng chính của mạng 6G và 6G sẽ được đặc trưng bởi việc cung cấp các dịch vụ tiên tiến như thực tế mở rộng, hình ba chiều di động có độ chính xác cao và bản sao kỹ thuật số.
Các nhà nghiên cứu cho biết, nhà thông minh sẽ được triển khai rộng rãi khi các thiết bị thông minh đều có khả năng kết nối và điều khiển từ xa. Giao thông thông minh với hệ thống điều khiển, xe tự hành, taxi bay có thể được triển khai dựa trên công nghệ mạng 6G…
Xem thêm: Một quốc gia có tham vọng thương mại hóa 6G chỉ trong vài năm
(Theo: Tạp chí điện tử)