Ngày 10/6 tại Stockholm, Thụy Điển, Nokia bất ngờ trình làng cuộc gọi 3D đầu tiên trên thế giới được hỗ trợ bởi công nghệ 5G. CEO của Nokia, ông Pekka Lundmark, đã thực hiện cuộc gọi điện thoại này. Trước đó, vào năm 1991, ông Lundmark cũng là một trong những người đầu tiên thực hiện cuộc gọi 2D.
Cuộc gọi 3D mang lại cho người nghe những âm thanh sống động, chân thực thay vì đơn âm như cuộc gọi 2D. Công nghệ mới được Nokia giới thiệu sẽ mang lại âm thanh 3D, cho phép người thực hiện cuộc gọi nghe thấy mọi thứ như thể đang ở đó với người bên kia. Điều đặc biệt là việc triển khai cuộc gọi 3D lại dễ hơn tưởng tượng khi phần lớn các thiết bị di động, smartphone hiện tại đều được trang bị 2 micro.
Sau khi chứng kiến màn trình diễn đến từ Nokia, dư luận thế giới tỏ ra rất bất ngờ và thích thú. Nhiều người bày tỏ mong muốn được trải nghiệm công nghệ này trong thời gian sớm nhất.
Chủ tịch của Nokia, bà Jenni Lukander, khẳng định, đây là bước tiến lớn nhất trong trải nghiệm gọi thoại trực tiếp từ khi âm thanh đơn âm được sử dụng trong điện thoại và máy tính. Công nghệ mới đã được chuẩn hóa, do đó, các nhà cung cấp mạng, nhà sản xuất chip và thiết bị cầm tay có thể bắt đầu triển khai trên các sản phẩm của họ.
Theo Nokia, công nghệ thoại 3D là một phần của tiêu chuẩn 5G Advanced sắp ra mắt. Tuy nhiên, để sử dụng rộng rãi, công ty dự đoán "ít nhất phải vài năm nữa".
Sự xuất hiện của mạng 5G-Advanced là điều tất yếu khi cuộc sống của con người và hoạt động sản xuất công nghiệp “chuyển sang kỹ thuật số” và mạng 5G không còn đáp ứng được toàn bộ các nhu cầu. Công nghệ 5G-Advanced sẽ cung cấp cho các nhà khai thác và người dùng một loạt các cải tiến đáng kể về hiệu suất.
Nhờ vào công nghệ không dây tăng dung lượng dữ liệu của tần số vô tuyến (MIMO) ngày càng hiện đại, công nghệ 5G-Advanced cho phép thông lượng gia tăng, vùng phủ sóng được mở rộng, mức tiêu thụ điện năng giảm đồng thời cũng hỗ trợ nhiều thiết bị hơn. Những cải tiến mới này đang hỗ trợ các ứng dụng như giao thông thông minh hay giải trí phát triển.
Ngoài ra, 5G-Advanced sẽ cho phép người dùng nâng cao quá trình theo dõi trạng thái và quản lý các thay đổi của kế hoạch thông qua tín hiệu điều khiển đường xuống (DCI) đồng thời các hoạt động đa sóng mạng sẽ giúp người dùng giảm chi phí kênh. Trong tương lai, 5G-advanced sẽ thúc đẩy đổi mới, tự động hóa công nghiệp, giao tiếp giữa máy với máy và độ nhạy thời gian để hỗ trợ lưới điện thông minh.
5G-Advanced cũng sẽ hỗ trợ hiệu quả các ứng dụng tương tác và nhập vai cao như Thực tế ảo (VR),Thực tế tăng cường (AR) và Thực tế mở rộng (XR),những công nghệ đang được triển khai mạnh mẽ trong các lĩnh vực giải trí, đào tạo và giáo dục.
Đồng thời, 5G-Advanced sẽ tăng cường hỗ trợ cho các thiết bị tiêu thụ ít năng lượng hơn; hỗ trợ máy bay không người lái, cũng như các mạng bên ngoài mặt đất nhằm cho phép người dùng tương tác đầy đủ và liền mạch với các mạng trên mặt đất.
Xem thêm: Quốc gia đứng đầu Đông Nam Á khi thử nghiệm mạng 5.5G thành công