Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, Internet là một trong những hạ tầng quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển dữ liệu số, công nghệ số và chuyển đổi số.
Để đáp ứng giai đoạn chuyển đổi số, theo Thứ trưởng Dũng hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Để đáp ứng sự phát triển của các dịch vụ Internet, công nghệ mới, hạ tầng Internet Việt Nam cần thay đổi, cải tiến, tương thích với sự phát triển của các công nghệ mới nhưng đảm bảo sự an toàn và bền vững.
Trao đổi tại Hội nghị, ông Paul Wilson - Giám đốc Trung tâm thông tin mạng khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) cho biết, ông đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet Việt Nam trong suốt 30 năm qua đồng thời cũng nhấn mạnh Trung tâm Internet Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển Internet Việt Nam.
Ở góc độ của cơ quan được Bộ Thông tin và Truyền thông giao trực tiếp triển khai các hoạt động nhằm hiện thực hóa những định hướng phát triển Internet Việt Nam, Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng cho biết, Internet chịu tác động mạnh mẽ từ sự phát triển nhanh chóng và ứng dụng của các công nghệ mới như 5G, IoT, Cloud Computing, big data, AI.
Theo ông Thắng, để đáp ứng sự phát triển của các dịch vụ Internet, công nghệ mới, hạ tầng Internet Việt Nam cần thay đổi, cải tiến hơn nữa.
Theo Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng, thách thức đầu tiên và lớn nhất với sự an toàn, bền vững của Internet là vấn đề nhận thức về sự cần thiết đảm bảo an toàn ở lớp hạ tầng. "Hạ tầng rất quan trọng cho sự phát triển, và hạ tầng Internet là hạ tầng cốt lõi cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số."
Bên cạnh đó, khi xây dựng hạ tầng Internet thì chúng ta cần quan tâm sử dụng hiệu quả tài nguyên Internet. Thách thức cuối cùng là Internet càng ngày càng lớn hơn. Theo ông Thắng, trong tương lai không chỉ Internet cho con người, cho máy mà còn Internet vạn vật. Trong tương lai sẽ có hàng tỷ thiết bị kết nối vào mạng Internet thì cần một không gian địa chỉ Internet lớn hơn.
Trước những thách thức như vậy theo ông Thắng, Việt Nam được đánh giá đang giải quyết tốt các thách thức để đảm bảo an toàn, bền vững của Internet bao gồm cả vấn đề nâng cao nhận thức về sự cần thiết đảm bảo an toàn ở lớp hạ tầng Internet.
"Công nghệ tạo ra nhiều giá trị và công nghệ cũng tạo ra những thứ chúng ta cần giải quyết. Theo tôi nghĩ, chúng ta sẽ dùng công nghệ để giải quyết những phát sinh từ công nghệ, đó là cách hiệu quả nhất. Với công nghệ thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề quy mô lớn, tốc độ xử lý nhanh."
Vì những lí do trên, các doanh nghiệp Viễn Thông - CNTT cần phải tập trung đầu tư vào các loại hình công nghệ mới như AI, Big Data, IoT,.. để giúp internet Việt Nam có thể song hành cùng những cường quốc lớn của thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản,...