Quy hoạch Hạ tầng Thông tin và Truyền thông thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 cho thấy, hạ tầng viễn thông năm 2025 sẽ có độ phủ mạng băng rộng cố định là 100%, tốc độ Internet băng rộng cố định là 200Mb/s – gấp đôi thời điểm hiện tại.
Những mục tiêu cần đạt đến năm 2025
Theo quy hoạch, tốc độ mạng băng rộng cố định của Việt Nam trong năm 2025 sẽ đạt 200Mb/s (phủ sóng 90% người dân). Đến năm 2030, con số này sẽ được nâng lên thành 1Gb/s. Độ phủ mạng băng rộng cố định kể từ năm 2025 sẽ đạt mức 100%. Trong khi đó, tốc độ mạng 4G phải vượt con số40Mb/s và đối với mạng 5G thì con số này sẽ là 100Mb/s.
Bên cạnh đó, quy hoạch Hạ tầng Thông tin và Truyền thông thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 cũng đặt ra các mục tiêu như: 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh; 100% các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo có thể truy nhập Internet với tốc độ tối thiểu 1Gb/s; 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cấp xã được kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; 100% hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị có khả năng tích hợp cảm biến và ứng dụng IoT; 100% cơ quan thuộc Chính phủ dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số; 70% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.
Đồng thời, thực hiện triển khai, đầu tư thêm 2 – 4 tuyến cáp viễn thông quốc tế; hình thành và triển khai các trung tâm dữ liệu quốc gia, tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia, các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng và 1 – 2 trung tâm dữ liệu khu vực phục vụ nhu cầu của các trung tâm tài chính Việt Nam và cho khu vực, quốc tế.
Những mục tiêu cần đạt đến năm 2030
Đến năm 2030, hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s; mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo; phát triển thêm 4 – 6 tuyến cáp quang biển quốc tế; 100% cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và trên 50% người dân sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp; phát triển các cụm trung tâm dữ liệu quy mô lớn theo tiêu chuẩn xanh, kết nối và chia sẻ tạo thành mạng lưới các cụm trung tâm dữ liệu, nhằm thúc đẩy công nghiệp dữ liệu lớn, trong đó hình thành tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia.
Bên cạnh đó, các nền tảng số quy mô quốc gia được hoàn thiện, vận hành thông suốt đáp ứng được yêu cầu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cước phù hợp.
Ngoài ra, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu phải trở thành một trong những trung tâm bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng hàng đầu châu Á; hình thành được thị trường về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, có sự cạnh tranh và ảnh hưởng trên toàn khu vực và thế giới. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tận dụng các công nghệ nguồn mở để tự chủ công nghệ và phát triển, làm chủ thị trường an toàn thông tin mạng, an ninh mạng Việt Nam.
Xem thêm: Bí quyết phát triển Internet Việt Nam an toàn và bền vững