• Không cấp phép lại các băng tần nếu nhà mạng còn thuê bao 2G sau ngày 16/9

Không cấp phép lại các băng tần nếu nhà mạng còn thuê bao 2G sau ngày 16/9

Bộ TT&TT sẽ không cấp phép lại các băng tần 900/1800/2100MHz, nếu nhà mạng vẫn còn thuê bao 2G only sau ngày 16/9/2024.

Các nhà mạng sẽ không được cấp phép lại băng tần nếu còn thuê bao 2G trước ngày 16/9
Các nhà mạng sẽ không được cấp phép lại băng tần nếu còn thuê bao 2G trước ngày 16/9

Không cấp phép lại băng tần nếu nhà mạng còn thuê bao 2G

Ngày 30/5, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã chủ trì cuộc họp với các nhà mạng cung cấp dịch vụ thông tin di động. Tại cuộc họp này, Thứ trưởng cho biết, Bộ TT&TT đã ban hành các thông tư về quy hoạch băng tần 900/1800MHz tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai lộ trình dừng công nghệ 2G. Đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nghiêm chỉnh thực hiện, các đơn vị thuộc Bộ có liên quan theo chức năng và nhiệm vụ thực hiện giám sát, đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tắt sóng 2G và phổ cập điện thoại thông minh.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã yêu cầu các nhà mạng phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch chi tiết về lộ trình dừng công nghệ di động cũ theo từng tháng, tới từng tỉnh thành. Xây dựng giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ ngừng phục vụ thuê bao 2G only vào thời điểm tháng 9/2024, để đảm bảo thực hiện quy hoạch các băng tần 900/1800MHz.

Các nhà mạng phải làm gì?

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhắc nhở các nhà mạng phải có giải pháp hỗ trợ thuê bao chuyển đổi sang sử dụng máy điện thoại công nghệ cao hơn, khuyến khích hỗ trợ máy smartphone để thực hiện mục tiêu phổ cập dòng điện thoại này.

Bên cạnh đó, nhà mạng phải xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai vùng phủ 4G thay thế vùng phủ 2G, có đánh giá với vùng phủ từng trạm thu phát sóng 2G đảm bảo vùng phủ mạng 4G thay thế mạng 2G, khi dừng hệ thống vào tháng 9/2026.

Các nhà mạng phải xây dựng giải pháp truyền thông tới từng đối tượng người sử dụng theo độ tuổi, theo đặc điểm địa lý của từng tỉnh thành, lưu ý đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đối tượng sử dụng là người già, người dân tộc, người đi biển… để nắm bắt được chủ trương, kế hoạch dừng công nghệ 2G và thực hiện chuyển đổi sang sử dụng smartphone.

Hơn thế nữa, nhà mạng phải xây dựng kế hoạch hỗ trợ khách hàng qua các kênh thoại, cửa hàng, trang web kết hợp với xây dựng các nội dung truyền thông, hỏi đáp về dừng công nghệ 2G.

3 nhà mạng lớn nhất Việt Nam đã làm gì để loại bỏ thuê bao 2G?

Nhà mạng MobiFone

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Thiềm Công Nguyên, Phó Tổng giám đốc MobiFone cho biết, trong thời gian qua MobiFone đã tắt 10.000 trạm 2G, chiếm khoảng 40% số trạm của nhà mạng này. MobiFone sẽ tiếp tục lộ trình tắt sóng 2G tập trung vào vùng ít thuê bao và đến hết 2025 sẽ tắt toàn bộ trạm 2G.

Nhà mạng VNPT

Ông Nguyễn Nam Long, Phó tổng giám đốc VNPT chia sẻ, VNPT có chủ trương không cho thiết bị 2G nhập mạng mới để chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G. Ông Nguyễn Nam Long cũng nhấn mạnh, để thành công trong việc tắt sóng 2G thì công tác truyền thông đến người dùng rất quan trọng, ví dụ như truyền thông mạnh mẽ việc tắt sóng 2G giống như tắt truyền hình analog mà Bộ TT&TT đã làm.

Nhà mạng Viettel

Là nhà mạng hiện có nhiều thuê bao 2G nhất, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết, trong thời gian qua, Viettel đã tắt trạm phủ sóng 2G ở những nơi có dưới 5% khách hàng đang sử dụng. Bên cạnh đó, Viettel đã phân tích hành vi của khách hàng đang dùng điện thoại 2G như người già, công nhân, thương lái… để đưa ra các chính sách phù hợp, như giảm giá 50% cho khách hàng mua máy đầu cuối và miễn phí 100% máy điện thoại 4G “cục gạch” với đối tượng hộ nghèo.

Xem thêm: Viettel, VNPT và MobiFone các ông lớn thống lĩnh thị trường viễn thông di động tại Việt Nam

Theo Báo Vietnamnet.

SIM.VN Tặng Sim Số Đẹp



© Copyright 2020. All rights reserved. Version 2.0.1