Khát vọng "mỗi người dân có một kho lưu trữ dữ liệu" liệu có thành sự thật?

Trong những năm gần đây, trung tâm dữ liệu ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong việc phát triển ngành Viễn thông - CNTT. Do đó, nhà mạng Viettel luôn cố gắng hết mình vì sứ mệnh biến khát vọng "mỗi người dân có một kho lưu trữ dữ liệu" trở thành sự thật.

Viettel sẵn sàng đồng hành cùng hành trình chuyển đổi số quốc gia

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đưa khái niệm hạ tầng số vào luật, thể hiện trong Luật Viễn thông năm 2023 có hiệu lực từ 1/7/2024. Khái niệm hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng tính toán và nhất là tính toán cho AI - hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng.

Từ hệ thống cáp quang rộng lớn, Viettel đang tiếp tục phát triển xây dựng hệ thống cáp quang quốc tế kết nối đến các Digital Hub lớn trong khu vực châu Á, nhằm thực hiện chiến lược “Phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các tuyến cáp quang quốc tế cung cấp dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng là tiền đề cho Việt Nam đi đến mục tiêu trở thành trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub).

Ông Tào Đức Thắng khẳng định: “Chiến lược chuyển đổi số đến năm 2030, chiến lược phát triển hạ tầng số quốc gia thể hiện khát vọng của Việt Nam trong việc đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, tổ chức, đảm bảo chủ quyền về dữ liệu, không mất đi nguồn tài nguyên quan trọng nhất trong thời đại số. Và vì thế, Viettel sẽ không ngừng đầu tư cho các Trung tâm dữ liệu. Theo lộ trình, đến năm 2025, Viettel sẽ đầu tư, mở rộng quy mô lên 17.000 rack và đến năm 2030 là 34.000 rack, gấp 3 lần quy mô hiện tại”.

Người đứng đầu Viettel nhấn mạnh: “Viettel đã sẵn sàng mọi điều kiện để cùng các doanh nghiệp Việt Nam làm bùng nổ dịch vụ điện toán đám mây, hiện thực hóa khát vọng mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi tổ chức, doanh nghiệp sẽ có nơi tính toán, lưu trữ trên đám mây một cách an toàn, linh hoạt và hiệu quả nhất”.

Biến khát vọng "mỗi người dân một kho dữ liệu" thành sự thật

Với khát vọng mỗi người dân Việt Nam, mỗi hộ gia đình Việt Nam, mỗi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một kho lưu trữ dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây được đặt tại Việt Nam, do kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, triển khai, quản lý vận hành và đảm bảo an toàn thông tin, năm 2022, Viettel khai trương hệ sinh thái Viettel Cloud.

Tháng 4/2024, Viettel khai trương Trung tâm dữ liệu thứ 14 tại Việt Nam. Đây là Trung tâm dữ liệu xanh được thiết kế công suất cao, gấp 2 lần mức trung bình, nhằm đáp ứng xu thế phát triển của AI với yêu cầu về các con chip hiệu năng cao, gia tăng khả năng tính toán. Với 60.000 máy chủ; 2.400 rack; 21.000m2 mặt sàn; tổng công suất điện 30MW, Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc cũng trở thành trung tâm dữ liệu lớn bậc nhất Việt Nam hiện nay.

Đến nay, Viettel tiếp tục là doanh nghiệp sở hữu hệ thống trung tâm dữ liệu lớn và hiện đại hàng đầu Việt Nam với 14 trung tâm, 230.000 máy chủ, 81.000 m2 mặt sàn, 11.500 rack; 87 MW điện, tương đương một siêu trung tâm dữ liệu (DC) của thế giới, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Viettel về xây dựng hạ tầng số Việt Nam hiện đại.

Xem thêm: Chuyện không tưởng: một tập đoàn viễn thông Việt Nam đạt doanh thu hơn 500 tỷ mỗi ngày

Báo Vietnamnet.