Hạ tầng điện toán đám mây liên vùng chuẩn quốc tế đầu tiên chính thức xuất hiện tại Việt Nam

VNG Cloud, đơn vị cung cấp giải pháp hạ tầng đám mây thuộc VNG Digital Business, vừa chính thức ra mắt hạ tầng điện toán đám mây liên vùng (multi-region) đầu tiên của Việt Nam tại Hà Nội và TP.HCM.

VNG sở hữu hạ tầng điện toán đám mây chuẩn quốc tế

Theo đó, với tốc độ băng thông riêng lên đến 50Gbps, hạ tầng này của VNG cho phép sao lưu và đối chiếu dữ liệu một cách nhanh chóng, giảm thiểu tối đa độ trễ dữ liệu giữa hai vùng Bắc - Nam, giúp trải nghiệm người dùng cuối được liền mạch, thông suốt. Hạ tầng đám mây liên vùng còn giúp tối ưu chi phí, đảm bảo tính liên thông, sẵn sàng dữ liệu cho hệ thống và nâng cao mức độ an toàn dữ liệu trên phạm vi toàn quốc.

Theo ông Trần Anh Nhân, Giám đốc Công nghệ VNG Cloud, mô hình này phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam, việc đảm bảo được vấn đề băng thông, xử lý và đồng bộ dữ liệu đa vùng là một bài toán nan giải.

“Việc hình thành hạ tầng điện toán đám mây liên vùng là cơ sở để những doanh nghiệp ở hai vùng có nền kinh tế số phát triển tiếp cận với nguồn tài nguyên tính toán dồi dào, dịch vụ lưu trữ đám mây tiên tiến, ít rủi ro, giúp họ nhanh chóng chuyển đổi số và phát triển kinh doanh đa khu vực”, ông Nhân nói.

Dự báo thị trường điện toán đám mây vài năm tới

Những năm gần đây, thị trường điện toán đám mây và chuyển đổi số đang phát triển mạnh. Theo báo cáo của McKinsey, động lực tăng trưởng đến từ việc các doanh nghiệp lớn đang sẵn sàng chuyển 60% môi trường làm việc sang điện toán đám mây vào năm 2025.

Ông Nhân đưa ra dự báo, đến năm 2025- 2026, thị trường điện toán đám mây sẽ còn tăng trưởng do các doanh nghiệp sử dụng nền tảng Cloud quốc tế sẽ có xu hướng dịch chuyển về nền tảng Cloud trong nước. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với các doanh nghiệp trong nước khi nhu cầu về Cloud tăng cao đồng nghĩa với áp lực về hạ tầng số sẽ ngày càng lớn hơn.

Xem thêm: Khát vọng “mỗi người dân có một kho lưu trữ dữ liệu” liệu có thành sự thật?