Tin Chung

Cách 5G góp sức vào "cuộc cách mạng" chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của Việt Nam

Công nghệ 5G đang trở thành yếu tố cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số, mang lại cơ hội mới cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi xanh và bảo vệ môi trường.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Công nghệ 5G được cho là không chỉ mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển trong các lĩnh vực y tế, tiện ích, truyền thông và sản xuất, góp phần vào quá trình hiện đại hóa và chuyển đổi số.

Tại Việt Nam, công nghệ 5G cũng được đánh giá là một trong những trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mang lại tiềm năng lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Nhận thấy tầm quan trọng của 5G, từ đầu năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho các doanh nghiệp triển khai thử nghiệm mạng 5G và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy việc triển khai 5G.

Mạng 5G cung cấp tốc độ internet nhanh giúp tạo ra môi trường thuận lợi cho các ứng dụng kinh doanh trực tuyến, giao dịch tài chính, và làm việc từ xa. Với khả năng hỗ trợ kết nối hàng tỷ thiết bị IoT cùng một lúc, 5G tối ưu hóa quản lý chuỗi cung ứng, giám sát sản xuất và tạo ra các ứng dụng mới. Trong lĩnh vực công nghiệp, 5G cho phép tự động hóa quy trình sản xuất, từ dây chuyền lắp ráp đến quản lý kho hàng, giúp tối ưu hóa năng suất và giảm lãng phí.

5G còn hỗ trợ tư vấn y tế từ xa, học trực tuyến và giáo dục từ xa, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và tiết kiệm thời gian. Với những lợi ích này, 5G đang dần trở thành yếu tố cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển bền vững và mở ra nhiều tiềm năng mới cho các doanh nghiệp và cộng đồng.

Góp phần chuyển đổi xanh

Để chỉ rõ những tác động tích cực trong chuyển đổi xanh của công nghệ 5G, đại diện Viettel cho biết 5G mang lại nhiều lợi ích cho năng lượng và an ninh năng lượng bằng cách tạo ra mạng lưới thông minh cho hệ thống năng lượng. Từ việc theo dõi và quản lý tiêu thụ năng lượng đến tích hợp nguồn năng lượng tái tạo, 5G giúp cải thiện hiệu suất và giảm lượng khí thải.

“Công nghệ 5G cho phép xây dựng một hệ thống mạng lưới năng lượng thông minh, giúp chúng ta quản lý việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn và ra các quyết định tối ưu dựa trên hệ thống này”, ông Nguyễn Thanh Hải nói khi lý giải về thúc đẩy chuyển đổi xanh của 5G.

Trong nông nghiệp, 5G hỗ trợ kết nối các thiết bị IoT như cảm biến đất và máy móc tự động, giúp tối ưu hóa việc sử dụng phân bón, nước và giảm lãng phí. Trong giao thông, 5G cung cấp kết nối đáng tin cậy cho các phương tiện tự động, giúp tối ưu hóa lưu lượng giao thông, giảm ùn tắc và tiết kiệm nhiên liệu.

Ngoài ra, 5G hỗ trợ theo dõi môi trường, từ chất lượng không khí đến quản lý rừng, giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo sự cân bằng giữa con người và tự nhiên. Với những lợi ích này, 5G không chỉ thúc đẩy sự phát triển bền vững mà còn góp phần quan trọng trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Xem thêm: Công nghệ 5G mang lại giá trị không ngờ tới nông dân Trung Quốc

Bài viết liên quan